Vào nội dung chính
MỸ - NGA

Thượng đỉnh Trump – Putin hứa hẹn điều gì ?

Thượng đỉnh Mỹ - Nga rút cục sẽ diễn ra vào ngày 16/07/2018 tới tại Helsinki, thủ đô Phần Lan. Đây là lần đầu tiên hai tổng thống Mỹ - Nga gặp chính thức, kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng, và cũng là lần đầu tiên nguyên thủ hai nước hội kiến chính thức kể từ 2009. Thượng đỉnh Trump – Putin hứa hẹn gì ?

Hai ông Donald Trump (P) và Vladimir Putin trong lần gặp bên lề thượng đỉnh APEC, ngày 11/11/2017, Đà Nẵng, Việt Nam
Hai ông Donald Trump (P) và Vladimir Putin trong lần gặp bên lề thượng đỉnh APEC, ngày 11/11/2017, Đà Nẵng, Việt Nam REUTERS/Jorge Silva
Quảng cáo

Thượng đỉnh diễn ra trong bầu không khí gần như Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và Nga được giới quan sát đặc biệt quan tâm. Tổng hợp báo chí quốc tế, trước và sau khi có tin chính thức về thượng đỉnh, cho thấy cuộc gặp dường như chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng, lãnh đạo Mỹ - Nga khó đạt thỏa thuận cụ thể về hàng loạt vấn đề bất đồng sâu sắc. Tuy nhiên, lập trường nước Mỹ trước hết của Donald Trump gây bất an, Liên Hiệp Châu Âu rất có thể sẽ trở thành mục tiêu tấn công của cặp Trump-Putin.

Về quan hệ Trump – Putin, một nhận định chung được nhiều nhà quan sát chia sẻ, đó là một quan hệ đầy biến động và mâu thuẫn. Trong những năm gần đây, Donald Trump liên tục đưa ra các phát biểu trái ngược về tổng thống Nga Putin. Trước chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump tỏ vẻ ngưỡng mộ người hùng điện Kremlin, nhưng đồng thời lại lên án chính sách quá mềm yếu của chính quyền Obama với Nga.

Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump liên tục ca ngợi Putin và hy vọng cải thiện quan hệ với Matxcơva. Tuy nhiên, sau khi giành chiến thắng, tổng thống Mỹ lại tỏ ra xa cách với Putin, do các áp lực trong nước đòi điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử, và trong nhiều hồ sơ Nhà Trắng đã có thái độ hết sức cứng rắn với chính quyền Putin, đến mức quan hệ song phương ngày thêm xấu đi, như các đợt trục xuất nhân viên ngoại giao qua lại.

Câu hỏi đặt ra là : với cuộc thượng đỉnh sắp tới, hai lãnh đạo Mỹ - Nga sẽ đạt được một đồng thuận, hay cuộc chơi hai mặt - vừa là đối thủ, vừa tỏ ra thân thiện - sẽ tiếp tục ? Dù kết quả ra sao, đông đảo giới quan sát tin rằng cuộc hội kiến Trump – Putin sẽ để lại các hệ quả lớn hơn rất nhiều so với cuộc thượng đỉnh Trump – Kim, vốn được quảng bá rầm rộ.

Khó có thỏa thuận cụ thể

Một ngày trước khi có thông báo chính thức về thượng đỉnh Mỹ-Nga, kênh truyền thông CNBC có bài tập hợp ý kiến chuyên gia, với tựa đề «Chờ đợi gì ở thượng đỉnh Trump-Putin ». Trả lời CNBC, ông Eugene Chausovsky, nhà địa chính trị học thuộc văn phòng Stratfor, so sánh thượng đỉnh sắp tới với cuộc hội kiến đình đám với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ở Singapore diễn ra hồi giữa tháng 6. Chuyên gia của Stratfor lưu ý tổng thống Mỹ đang tranh thủ sự chú ý của công luận quốc tế để tiếp tục đánh bóng hình ảnh bản thân.

Theo nhà nghiên cứu Mathieu Boulegue, Viện tư vấn chính trị độc lập Chatham House, Anh Quốc, về các vấn đề khẩn cấp như Ukraina hay Syria, Washington và Matxcơva vốn có lập trường mâu thuẫn, hai bên có thể sẽ chỉ đưa ra trước hết các tuyên bố mang tính ngoại giao, có ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn (1). Điện Kremlin chắc chắn sẽ vận động để Hoa Kỳ hỗ trợ giảm nhẹ các trừng phạt kinh tế của phương Tây, sau vụ can thiệp vào miền đông Ukraina và sáp nhập bán đảo Crimée. Tuy nhiên, ông Mathieu Boulegue cũng dự đoán sẽ rất ít có cơ hội là « các vấn đề nan giải sẽ được thảo luận và quyết định » trong khuôn khổ thượng đỉnh này, ngược lại, điều chắc chắn là cuộc gặp gỡ này sẽ được dùng làm « bàn đạp » giúp quan hệ song phương tan băng.

Cơ hội thúc đẩy quan hệ cá nhân

Trở lại với ý nghĩa biểu tượng của thượng đỉnh Mỹ-Nga, vẫn theo nhà phân tích của Stratfor, chỉ riêng việc tổ chức cuộchọp này đã có lợi cho hai ông Donald Trump và Vladimir Putin. Nhiều nhà quan sát cho rằng tổng thống Mỹ sẽ tìm cách phát triển « quan hệ cá nhân » với nguyên thủ Nga, giống như điều đã làm với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, qua đó củng cố uy tín của bản thân về khả năng thiết lập các đối thoại song phương với lãnh đạo các nước vốn bị lên án là độc tài.

Tổng thống Mỹ có thể vừa tỏ ra hòa dịu với nguyên thủ Nga, với khẳng định sẵn sàng tìm cách tăng cường quan hệ, nhưng mặt khác cũng có thể tỏ ra « cứng rắn » với Matxcơva, nhằm tranh thủ tình cảm của một bộ phận đông đảo cử tri Mỹ. Nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 dự kiến cũng sẽ được ông Trump đưa ra trong dịp này, với dụng ý hai mặt như trên.

Tương tự như CNBC là quan điểm của chuyên gia James J. Coyle, giám đốc chương trình nghiên cứu về Trung Đông, Viện quân sự Mỹ U.S Army War College. Theo ông, cho đến nay, về hàng loạt vấn đề chiến lược quốc tế, từ bắc chí nam, từ đông sang tây, từ khủng hoảng Ukraina, Syria, Iran, đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, hay vấn đề Venezuela, lợi ích của Mỹ và Nga là hết sức khác biệt, nếu không muốn nói là đối lập nhau. Chính vì vậy, mục tiêu của cuộc thượng đỉnh này rất khó là các thỏa hiệp cụ thể, thay vào đó Trump và Putin sẽ tìm kiếm lập trường chung trong một số vấn đề nhằm trước hết giảm căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Nga.

Bẻ gẫy Liên Âu : Trump và Putin tâm đầu ý hợp ?

Vấn đề nào mà hai ông Donald Trump và Vladimir Putin có thể đi đến chỗ tâm đầu ý hợp ? Theo nhà báo François Clemenceau, nhật báo Pháp Journal du Dimanche, tìm cách « bẻ gẫy » sự đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu rất có thể sẽ là mục tiêu chung của hai lãnh đạo Mỹ-Nga. Một Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO suy yếu, Hoa Kỳ rút lui khỏi Trung Cận Đông là nằm trong lợi ích của nước Nga Putin. Về phía chính quyền Mỹ, viễn cảnh này là khó xảy ra hơn nhiều, nhưng không phải là không thể. Cho dù lợi ích của Trump và Putin là rất khác nhau, nhưng trên thực tế, hai bên, bằng cách này hay cách khác đều cố gắng phá vỡ sự thống nhất của Liên Âu, sự thống nhất mà tổng thống Nga coi như « một đe dọa », còn với tổng thống Mỹ là « một thế lực cạnh tranh ».

Đồng quan điểm với báo Pháp JDD, xã luận của báo Mỹ The Washington Post hôm 28/06 của nhà báo Josh Rogin, với tựa đề « Trump is trying to destabilize the European Union » cảnh báo về mưu toan không hề mới của tổng thống Trump. The Washington Post nhắc lại một chi tiết là, trong cuộc gặp riêng với tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng hồi tháng 4/2018, Donald Trump từng khuyên nguyên thủ Pháp, hãy chia tay với Liên Âu, đổi lại Washington sẽ ký kết với Paris một thỏa thuận thương mại song phương có lợi hơn nhiều.

Thái độ thù ghét Liên Âu của tổng thống Mỹ ngày càng gia tăng, thể hiện đặc biệt rõ trong lĩnh vực thương mại, khi đổ hoàn toàn trách nhiệm của thâm hụt thương mại song phương cho Liên Hiệp Châu Âu (2). Và cho dù Trump và Putin, hai bên không ra một tuyên bố chung chống lại châu Âu, lập trường hiện nay của chính quyền Trump với Liên Âu và quan hệ hai bờ Đại Tây Dương suy yếu đã mang lại một « mối lợi vô cùng lớn » cho chính quyền Putin.

Helsinki – một lựa chọn nhiều ẩn ý

Thượng đỉnh Trump – Putin sẽ đưa thế giới đi về đâu là câu hỏi để ngỏ. Trong lúc một bộ phận chính giới phương Tây nhìn cuộc thượng đỉnh này với con mắt hết sức hoài nghi, thì một số nhà quan sát lại tỏ ý hy vọng. Việc thủ đô Phần Lan được lựa chọn làm nơi đăng cai cuộc gặp có thể là một chỉ báo đáng chú ý. Phần Lan, quốc gia được coi là « trung lập », từng được chọn làm địa điểm thương lượng giữa Washington và Matxcơva trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Thỏa thuận Mỹ-Xô tại Helsinki năm 1975 từng góp phần cho sự sụp đổ của « bức màn sắt », ngăn cách khối cộng sản với các nước phương Tây.

Tuy nhiên, giờ đây Phần Lan không hoàn toàn trung lập, cũng chính Phần Lan đang ngày càng gần gũi với NATO, với nước Mỹ, với các đối tác châu Âu, và cảnh giác trước các nguy cơ can thiệp từ Nga. Chọn lựa Phần Lan phải chăng chính là một động thái của tổng thống Mỹ nhằm trấn an « các đồng minh châu Âu » trước cuộc hội kiến lịch sử đầy bất trắc với tổng thống Nga ?

****

(1) Về triển vọng đạt được một thỏa thuận cụ thể, cũng có một số quan điểm khác. Theo nguồn tin của CNN, tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ bàn với lãnh đạo Nga về khả năng « rút quân Mỹ nhanh chóng khỏi Syria ». Về điểm này, báo mạng Sputnik của chính quyền Nga dẫn lời người phát ngôn của phủ tổng thống Nga, bác bỏ một thỏa thuận bí mật giữa Trump và Putin, trong lúc thừa nhận lãnh đạo hai bên có kế hoạch thảo luận sâu về khủng hoảng Syria. Dù sao việc triệt thoái quân Mỹ khỏi Syria là điều được tổng thống Mỹ nhiều lần nhấn mạnh trong thời gian gần đây.

(2) Theo nhà nghiên cứu Frédéric Charillon, một chuyên gia về quan hệ quốc tế, thân thuộc với chính trị Hoa Kỳ, thì ưu tiên trước mắt của tổng thống Mỹ là bảo vệ được đa số của phe Cộng Hòa tại Quốc Hội trong kỳ bầu cử giữa kỳ tháng 11/2018. Ông Trump chắc chắn sẽ tỏ ra rất cứng rắn với Liên Âu, bởi theo một bộ phận đông đảo cử tri bầu cho Donald Trump, Liên Hiệp Châu Âu là một tấm gương xấu, một thất bại (Báo l’Opinion, 1/7/2018).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.