Vào nội dung chính
ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA

Trung Quốc lên án "một liên minh quân sự kiểu NATO" ở châu Á - Thái Bình Dương

Tại diễn đàn an ninh châu Á Đối thoại Shangri-La ở Singapore, quy tụ khoảng 30 bộ trưởng Quốc Phòng và đại diện quốc phòng của các nước, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, Lý Thượng Phúc, hôm nay 04/06/2023 lên án việc thành lập một liên minh quân sự « kiểu NATO » ở châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc tại Đối thoại an ninh Shangri-la, Singapore, ngày 02/06//2023
Bộ trưởng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc tại Đối thoại an ninh Shangri-la, Singapore, ngày 02/06//2023 REUTERS - CAROLINE CHIA
Quảng cáo

Các phát biểu của Bắc Kinh nhắm chủ yếu vào Mỹ : Washington thời gian qua đã tăng cường, củng cố các liên minh và quan hệ đối tác trong vùng như AUKUS và bộ Tứ QUAD để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo AFP, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc xem việc thành lập một liên minh quân sự kiểu NATO tại châu Á - Thái Bình Dương là cách « bắt chẹt » một số nước trong vùng và thổi phồng các mâu thuẫn, đối đầu. Ông Lý Thượng Phúc cảnh báo việc này sẽ nhấn chìm khu vực vào một « vòng xoáy » bất đồng, xung đột và một cuộc đối đầu bạo lực giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu nổ ra, sẽ gây nên những thảm kịch không thể chịu nổi.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết về lập luận của bộ trưởng Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La :

« Cái bắt tay giữa Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) và Lloyd Austin khi khai mạc diễn đàn Đối thoại Shangri-la, được các mạng xã hội ở Trung Quốc nói đến rất nhiều, nhưng hôm nay đã rơi vào quên lãng. Sau khi giơ tay lên chào kiểu nhà binh, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc hôm nay đã nêu bật các chủ đề chính theo luận điệu chống Hoa Kỳ của Bắc Kinh.

Theo tướng Lý Thượng Phúc, « một số nước » muốn áp đặt các quy tắc của họ đối với các quốc gia khác, cư xử kiểu « nhất bên trọng, nhất bên khinh » chỉ để phục vụ lợi ích của chính họ, đồng thời can thiệp vào « công việc nội bộ của các nước khác » và áp dụng tư duy, tâm lý « chiến tranh lạnh ».

Bên cạnh những lời chỉ trích không cần che đậy nói trên, Trung Quốc còn lên án một trật tự quốc tế mà theo Bắc Kinh là để phục vụ lợi ích của một số ít quốc gia.

Tướng Lý Thượng Phúc nói thêm : « Chúng tôi thấy một số quốc gia bên ngoài khu vực đã mượn danh nghĩa bảo vệ quyền tự do hàng hải để hành xử quyền bá chủ trên biển…, ngày nào tôi cũng thấy có nhiều thông tin về  tàu và máy bay chiến đấu của nước ngoài đến các khu vực sát lãnh thổ của chúng tôi. Họ hiện diện ở đó không chỉ để lưu thông một cách vô hại ».

Phát biểu của ông Lý Thượng Phúc được đưa ra trong bối cảnh tàu khu trục của Mỹ và Canada hôm thứ Bảy đi qua eo biển Đài Loan trong một hoạt động bị Trung Quốc cáo buộc là hành vi « khiêu khích ».

Đài Loan là một chủ đề mà hai siêu cường Mỹ - Trung chắc hẳn sẽ đề cập đến một lần nữa trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Daniel Kritenbrink, đặc sứ Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương. Chuyến công du của Daniel Kritenbrink đến Trung Quốc và New Zealand bắt đầu diễn ra Chủ Nhật (hôm nay 04/06) ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.