Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Bầu cử tổng thống Nga: Vì sao Putin cần một "chiến thắng chói lọi"?

Sau gần 25 năm liên tục cầm quyền, chiếc ghế tổng thống của ông Putin không hề bị đe dọa trong cuộc bầu cử lần này. Vậy tại sao điện Kremlin lại khóa chặt sân chơi, không cho bất kỳ một đối thủ chính trị nào được ra tranh cử, dù chỉ để che mắt thiên hạ về « nền dân chủ » của nước Nga ? Tại sao Matxcơva phải nỗ lực để Vladimir Putin tái đắc cử với một tỷ lệ cao chót vót như dưới thời Liên Xô ?

People walk past a billboard with an image of Russian President Vladimir Putin and words reading "The West doesn't need Russia, we need Russia!" in a street in Sevastopol, Crimea, on March 6, 2024.
Áp phích vận động bầu cử tổng thống Nga với ảnh Putin, tại Sevastopol, bán đảo Crimée bị Nga chiếm đóng, ngày 06/03/2024. AP
Quảng cáo

Giới phân tích đều cho rằng, Putin đã lên cầm quyền từ năm 2000 và đã vô hiệu hóa gần hết các tiếng nói đối lập, con đường đưa ông vào điện Kremlin thêm 6 năm nữa đương nhiên là đang « rộng thênh thang ». Vladimir Putin sẽ tiếp tục « mang lại hào quang cho nước Nga vĩ đại » nhất là sau khi ông đã thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina hồi 2014, rồi sáp nhập thêm 4 vùng lãnh thổ của Ukraina vào với Liên bang Nga. Với công luận trong nước, chủ nhân điện Kremlin dường như đã dễ dàng xua tan những hoài nghi về tính toán của ông hai năm sau khi phát động cuộc chiến Ukraina và kinh tế nước nhà không suy sụp vì các đòn trừng phạt « hạng nặng » của hương Tây.

Trước ngày bầu cử, Levada, viện thăm dò được cho là độc lập, công bố kết quả điều tra cho thấy 70 % những người được hỏi đánh giá « chiến dịch quân sự đặc biệt » Vladimir Putin khởi xướng tháng 2/2022 « sẽ thành công » ; ba phần tư công luận Nga tán đồng những quyết định của Putin và cho rằng nước Nga dưới sự dẫn dắt của cựu nhân viên tình báo KGB này đang « đi đúng hướng » và tỷ lệ tín nhiệm Vladimir Putin hiện đã vượt ngưỡng 80 %, cao hơn cả trước khi Nga đưa quân sang Ukraina.

Vậy mà cả năm trước bầu cử, điện Kremlin đã đề ra mục tiêu ông Vladimir Putin phải tái đắc cử với ít nhất 80 % số phiếu và tỷ lệ cử tri đi bầu phải là hơn 70 %, hai chỉ số đều cao hơn so với bầu cử năm 2018. Làm thế nào giải thích mối ám ảnh đó ?

Trước hết, tổng thống Nga muốn nhắm vào công luận trong nước. Vladimir Putin cần một « thắng lợi tuyệt vời » qua lá phiếu, để mọi người vĩnh viễn quên đi những thất bại quân sự trên lãnh thổ Ukraina, quên đi cuộc nổi dậy của nhóm Wagner dưới trướng Evgueni Prigogine, quên đi những tổn thất của Hải Quân Nga ở Biển Đen. Điện Kremlin cũng muốn xóa tẩy hình ảnh những người mẹ, người vợ của các quân nhân Nga đòi trả con, trả chồng về lại với gia đình.

Tháng 11/2023, báo mạng Meduza, một trong những phương tiện truyền thông hiếm hoi ở Matxcơva có tiếng nói « khác » với lập trường của chế độ, đã giải thích Vladimir Putin muốn được hơn 80 % cử tri ủng hộ, bởi trong cuộc bầu cử lần trước, cách nay 6 năm, ông đã được hơn 77 % phiếu bầu. Kết quả bầu cử khi đó là động lực để Kremlin mạnh dạn sửa đổi Hiến Pháp cho phép ông nắm quyền gần như mãn đời. Vậy thì với 80 % cử tri ủng hộ, Vladimir Putin lại còn « rộng đường để đi xa hơn nữa » và thực hiện mọi ý đồ của ông.

Một nhà chính trị học tại Matxcơva được báo La Croix trích dẫn cho rằng ông Vladimir Putin cần một thắng lợi « sáng chói », để có đủ tính chính đáng « tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt », củng cố chế độ mà trong đó ông « đang ngự trị trên đỉnh cao và những thuộc hạ thân tín tuyệt đối kiểm soát tất cả với một bàn tay sắt ».

Một nhà quan sát khác, Nikolai Petrov, được báo Le Monde trích dẫn, cho rằng Vladimir Putin cần được cử tri « ồ ạt dồn phiếu cho ông » để thị uy với chính những tầng lớp tinh hoa bao quanh ông, vì nếu « không thể tổ chức một cuộc bầu cử theo ý muốn của mình, hình ảnh của Vladimir Putin sẽ bị sứt mẻ » và làm dấy lên câu hỏi rằng ông có còn làm chủ « toàn bộ tình hình » nữa hay không.

Dù vậy, thông điệp chính mà điện Kremlin muốn gửi đi nhân cuộc bầu cử lần này là nhắm vào phương Tây: Matxcơva tổ chức bầu cử ở các vùng lãnh thổ vừa chiếm được của Ukraina để khẳng định « chủ quyền » của Liên bang Nga với những vùng đất này và coi việc sáp nhập vào với nước Nga là chuyện « ván đã đóng thuyền ». Hơn nữa, thành tích tái đắc cử với 80 % cho phép Putin khẳng định với một phần công luận quốc tế rằng dân Nga tán đồng chiến dịch quân sự ông đã khởi động cách nay hơn 2 năm. Bất chấp chiến tranh, bất chấp những khó khăn kinh tế mà phương Tây muốn giáng cho nước Nga, Vladimir Putin vẫn được công luận Nga ủng hộ hết mình.

Có điều việc đích thân Putin hai ngày trước bầu cử phải kêu gọi người dân đi bỏ phiếu, « nghĩa vụ » của một người « yêu nước », được giới phân tích hiểu như là Matxcơva vẫn không thực sự « an tâm ». Dù đã dẹp hết mọi đối thủ tiềm tàng, dù đã khóa chặt sân chơi với mọi tiếng nói đối lập và chỉ dựng lên ba đối thủ để che mắt thiên hạ, dù đã cấm các « quan sát viên » theo dõi diễn tiến bầu cử, điện Kremlin ý thức được là « các làn sóng ngầm chống đối Putin vẫn âm ỉ ». Rõ rệt nhất là những đoàn người dài hàng cây số đến tiễn đưa nhà đối lập Alexeï Navalny hôm tang lễ của ông và những bông hoa cao như núi vẫn tiếp tục được đặt trên ngôi mộ của « kẻ thù chính trị không đội trời chung » với Vladimir Putin. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.