Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Mục tiêu thượng đỉnh Mỹ - Trung : Duy trì đối thoại tránh dẫn đến xung đột

Trước khi khai mạc thượng đỉnh quy tụ lãnh đạo 21 thành viên Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố San Francisco, bang California, tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hôm nay 15/11/2023.

Ảnh tư liệu: Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20, Bali, Indonesia, ngày 14/11/2023.
Ảnh tư liệu: Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20, Bali, Indonesia, ngày 14/11/2023. © Alex Brandon / AP
Quảng cáo

Lãnh đạo Nhà Trắng đề ra mục tiêu duy trì kênh liên lạc với Bắc Kinh và hai cường quốc kinh tế của thế giới, tuy là trong thế cạnh tranh với nhau về nhiều mặt, nhưng cần tránh dẫn đến xung đột.

Đặc phái viên của RFI từ San Francisco, Guillaume Nadin cho biết thêm về tầm mức quan trọng thượng đỉnh Mỹ-Trung lần thứ hai kể từ khi Joe Biden đắc cử tổng thống. 

« Từ nhiều tháng qua, quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng. Chính quyền Biden xem Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh thực thụ, thậm chí coi đó là một điều tốt. Thế nhưng Washington muốn tránh để sự cạnh tranh đó lại dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh, hay tệ hơn nữa là một cuộc xung đột.

Một sự cố vẫn có thể xảy ra và  kịch bản ấy đã từng được ghi nhận qua vụ khinh khí cầu dọ thám của Trung Quốc bay qua không phận Hoa Kỳ trước khi bị bắn hạ vào tháng 2/2023. Trung Quốc càng lúc càng hiện diện ở Biển Đông. Mỹ khẳng định vai trò của một quốc gia bảo vệ các quyền tự do lưu thông trên biển trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương. Do vậy cuộc gặp hôm nay nhằm duy trì các kênh đối thoại ở cấp cao nhất, đồng thời đây cũng là dịp để nối lại các đối thoại về quân sự chẳng hạn.

Cạnh tranh Mỹ -Trung cũng được ghi nhận về phương diện kinh tế. Theo các quan chức trong chính quyền Biden, thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh thuận lợi cho Hoa Kỳ : kinh tế Mỹ đang vững mạnh. Washington ngụ ý tăng trưởng của Trung Quốc không được bằng. Kinh tế Trung Quốc đã không bật dậy như mong đợi sau giai đoạn Covid và Bắc Kinh khó đạt được mực tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Cũng chính vì thế mà ông Tập Cận Bình đến San Francisco. Diễn Đàn Hợp Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương quy tụ hơn 20 thành viên. APEC muốn trông thấy quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nếu không được nồng thắm, thì ít ra cũng phải được điều tiết trong một khuôn khổ nhất định nào đó ».

Khả năng nối lại đối thoại quân sự

Theo các giới chức Hoa Kỳ được hãng tin AP trích dẫn, hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Tập Cận Bình gặp nhau tại bảo tàng Filoli Estate, cách trung tâm thành phố San Francisco tầm 40 km về phía nam. Trên nguyên tắc Washington và Bắc Kinh sẽ thông báo một thỏa thuận tái lập lại những trao đổi về quân sự, đặc biệt liên quan đến thỏa thuận MMCA (Military Maritime Consultative Agreement) giảm thiểu rủi ro xảy ra sự cố trên biển và trên không giữa quân đội hai nước. MMCA có hiệu lực từ 1998 và đã bị tạm đình chỉ từ 2020.

Hợp tác chống biến đổi khí hậu

Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đã đạt đồng thuận trước khi lãnh đạo hai nước chính thức họp thượng đỉnh, đó là về khí hậu. Trong một thông cáo chung hôm nay 15/11/2023, Washington và Bắc Kinh cùng cam kết đóng góp hết sức mình để hội nghị khí hậu COP28 « thành công ».

COP28 mở ra tại Dubai từ ngày 30/11-12/12/2023. Giới quan sát đồng loạt cho rằng thành công hay thất bại của hội nghị, phần lớn tùy thuộc vào mức độ hợp tác giữa hai quốc gia thải khí các-bon nhiều nhất trên thế giới là Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.