Vào nội dung chính
GIÁN ĐIỆP TRUNG QUỐC

Gián điệp Trung Quốc bị « lộ bài » ở châu Âu ?

Từ nhiều năm qua, nhiều nước châu Âu đã cảnh báo về hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại châu lục này. Vụ bắt giữ 6 người, bị tình nghi làm gián điệp của Bắc Kinh ở Anh và Đức tuần trước, cho thấy các điệp viên của Bắc Kinh không chỉ hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, mà còn lấn sân vào chính trường.

Ảnh minh họa: Gián điệp mạng Trung Quốc hoạt động mạnh tại châu Âu.
Ảnh minh họa: Gián điệp mạng Trung Quốc hoạt động mạnh tại châu Âu. REUTERS/Edgar Su
Quảng cáo

Trong vòng 1 tuần, 6 người đã bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc ở châu Âu : 2 người ở Anh và 4 người ở Đức. Một trong những người bị bắt giữ ở Anh là một nhà nghiên cứu tại Quốc Hội, có thể tiếp cận nhiều chính khách và gây ảnh hưởng đến chính sách của Anh đối với Trung Quốc. Còn tại Đức, một trong bốn người bị cáo buộc làm điệp viên cho Trung Quốc là Jian Guo, mà các công tố viên coi là một trường hợp “đặc biệt nghiêm trọng”. Người Trung Quốc có quốc tịch Đức này bị cáo buộc làm việc cho Bộ an ninh Quốc gia Trung Quốc. Ông Guo là trợ lý của Maximilian Kral, nghị sĩ châu Âu thuộc đảng cực hữu Alternative for Germany. Ông Maximilian cũng là một trong những ứng cử viên của đảng này trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào tháng 6.

Châu Âu tăng cường các hoạt động chống gián điệp Trung Quốc ?

Chính quyền Hà Lan và Ba Lan, hôm thứ Tư tuần trước, 24/04, cũng đã đột kích vào các văn phòng của Nuctech, một công ty thiết bị an ninh Trung Quốc bị tình nghi có những giao dịch không minh bạch. Đây là lần đầu tiên Ủy Ban Châu Âu sử dụng luật mới « chống trợ giúp nước ngoài » để tấn công một công ty Trung Quốc tại châu lục này.

Vào đầu tháng Tư, Thụy Điển đã trục xuất một nhà báo Trung Quốc định cư ở nước này từ hơn 20 chục năm qua, với lý do « đe dọa an ninh quốc gia ».

Còn tại Pháp, từ nhiều năm qua, cơ quan tình báo đã lo ngại về hôn nhân giữa những sinh viên nữ Trung Quốc với các quân nhân vùng Bretagne hay với các kỹ sư làm việc trong căn cứ hải quân ở Brest.Tờ Financial Times của Anh Quốc đề cập đến « Honeypots », tức là cách mà các điệp viên dùng những chiêu trò tình ái để đạt được mục tiêu. Điều này cho thấy hoạt động gián điệp của Trung Quốc đã ngày càng được mở rộng.

Theo New York Times, sau những vụ bắt giữ gần đây, nhiều người cho rằng Trung Quốc đang tăng cường mạng lưới gián điệp để ảnh hưởng đến nền dân chủ ở các nước này, cụ thể là ở Anh và Đức, vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế- vốn đã quen thuộc. Họ mở rộng sang hoạt động gián điệp chính trị, mà Nga thường hay sử dụng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Trung Quốc, không phải Bắc Kinh đang tăng cường hoạt động gián điệp, mà là các nước châu Âu đã tăng cường phản ứng.

Chiến tranh Ukraina tác động đến các hoạt động tình báo của châu Âu ?

Cơ quan an ninh của Đức đã công khai cảnh báo về “nguy cơ Trung Quốc” kể từ năm 2022, không lâu sau khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraina. Nhật báo Anh Financial Times trích dẫn phát biểu của lãnh đạo cơ quan tình báo Đức trước Quốc Hội nước này: “Nga là cơn bão, Trung Quốc đang biến đổi khí hậu.”

Nếu các cơ quan tình báo phương tây hợp tác với nhau thì Trung Quốc và Nga cũng ngấm ngầm làm điều tương tự. Hôm 18/04 vừa qua, hai người Đức gốc Nga đã bị bắt ở Bayern, với cáo buộc lên các kế hoạch phá hoại ngầm các cơ sở quân sự nhằm cản trở việc Đức yểm trợ Ukraina trong cuộc chiến chống Nga xâm lược.

Theo nhật báo Anh, Bắc Kinh và Matxcơva đều muốn tác động đến các quan điểm chính trị cực đoan của châu Âu, « gieo rắc nghi ngờ về dân chủ », gây chia rẽ chính trị « bằng các hoạt động nhỏ giọt, từ từ »,  Trung Quốc và Nga cùng có mục tiêu chung, « cùng nhau thúc đẩy lợi ích của mình, tìm cách suy yếu vị thế của các nước phương Tây ».

Cơ quan tình báo của Trung Quốc hoạt động như thế nào ?

Được thành lập vào năm 1983, bộ An Ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) là một tổ chức cảnh sát dân sự bí mật mà Hoa Kỳ mô tả giốn như là sự kết hợp giữa FBI và CIA. Theo Financial Times, với phạm vi hoạt động rộng lớn, bộ này có các cơ quan đặc trách phản gián, cũng như bảo đảm an ninh chính trị cho chế độ Cộng Sản. Bộ này cũng bị cáo buộc có mạng lưới gián điệp rộng lớn và có ảnh hưởng ở nước ngoài, ăn cắp thông tin tình báo và công nghệ nước ngoài. Không giống như các nước phương Tây, một số văn phòng tình báo của Trung Quốc không tập trung, mà được phân bổ rải rác, ví dụ như văn phòng ở Thượng Hải chỉ đạo các hoạt động ở Mỹ, trong khi văn phòng ở Chiết Giang thì làm việc với mạng lưới gián điệp ở châu Âu.

Trả lời L’Express, Paul Charon, nhà nghiên cứu về tình báo, dự đoán các mối đe dọa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự ở Pháp, cho biết nhiệm vụ của cơ quan này, ngoài việc bảo vệ đảng cầm quyền, còn phải chống lại « 5 loại độc » : độc lập của Đài Loan, độc lập của Tây Tạng, phe ly khai ở Tân Cương, Pháp Luân Công và phong trào dân chủ Trung Quốc. Họ thu thập các thông tin tình báo về chính trị, quân sự, thương mại, khoa học, và kỹ thuật, thực hiện các chiến dịch gây ảnh hưởng, hoặc các hoạt động phá hoại làm suy yếu các xã hội mà họ nhắm vào.

Điệp viên Trung Quốc có cách xử lý thông tin riêng của họ?

Theo chuyên gia nghiên Paul Charon, cũng giống với phương Tây hoặc Nga, Trung Quốc cũng có các phương tiện liên lạc được mã hóa, hay các thủ thuật hòm thư chết, các chiến dịch cờ giả. Tuy nhiên, họ cũng có một số điểm đặc biệt. Ban đầu, họ tập trung vào cộng đồng người Hoa hải ngoại vì không thông thạo ngoại ngữ. Nhưng hiện giờ, họ có nhiều nguồn nhân lực khác nhau, với quy mô hoạt động rộng lớn.

Vào năm 2019, theo Financial Times, cơ quan ngoại giao châu Âu đã cảnh báo có khoảng 250 người tình nghi là điệp viên của Trung Quốc ở Bruxelles, còn số điệp viên Nga là khoảng 200 người. Vào cuối năm 2023, một báo cáo của ủy ban an ninh và tình báo Quốc Hội Anh đã nhận định rằng « quy mô hoạt động của bộ máy tình báo Trung Quốc là lớn nhất thế giới, với hàng trăm ngàn điệp viên ». Tình báo Anh vào tháng 10/2023, đã đưa ra con số 20 000 người Anh bị các điệp viên Trung Quốc tiếp cận trên Linkedin, nhằm đánh cắp các bí mật về công nghệ và công nghiệp. Khoảng 10 000 doanh nghiệp của Anh gặp rủi ro trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, hoặc sinh học tổng hợp mà Trung Quốc đang cố chiếm ưu thế.

Mức độ hiệu quả của các chiến dịch này?

Theo chuyên gia quân sự Paul Charon, hoạt động của các điệp viên Bắc Kinh ngày càng tinh vi và bí mật, nhờ mức độ chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao. Trung Quốc đã tự nỗ lực nâng cao khả năng nhưng cũng phải nhờ vào kỹ năng mà Nga chuyển giao cho. Chuyên gia tại Viện nghiên cứu chính sách hòa bình, Erich Schmidt Eeboom, trả lời Nikkei Asia, cho rằng các vụ bắt giữ gián điệp gần đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì Trung Quốc cũng đã cải thiện các kỹ thuật tình báo, đặc biệt là tin tặc. Hồi đầu năm nay, giám đốc FBI đã cảnh báo rằng các tin tặc mà Trung Quốc triển khai có thể đông hơn rất nhiều so với nhân viên mạng của cơ quan này.

Ngay cả trên mạng xã hội, trong những năm gần đây, các điệp viên Trung Quốc cũng đã chuyển từ tài khoản giả mạo tên Trung Quốc sang các tài khoản Nga có vẻ xác thực nhờ trí tuệ nhân tạo. Trang Slate từng tiết lộ rằng các gián điệp Trung Quốc đã tạo ra một liên hoan phim giả ở Praha, với một trang web, để quảng cáo một bộ phim tài liệu. Bài đăng trên trang web, tác giả là người Pháp, Benoit Lelièvre, ca ngợi Hồng Kông dưới sự cai trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.