Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Bảng xếp hạng ĐH Thượng Hải : Thành tích mới của Pháp và tác động tích cực tới tuyển sinh - hợp tác

Đăng ngày:

Ngày 15/08/2023, bảng xếp hạng Đại học Thượng Hải được công bố. Năm thứ 4 liên tiếp Đại học Paris Saclay của Pháp duy trì được vị trí trong top 20 trường đại học tốt nhất thế giới và là trường đứng thứ nhất trong số các trường ở châu Âu lục địa. Tổng cộng Pháp có 27 trường, kể các ĐH cấp vùng, lọt vào bảng xếp hạng Thượng Hải.

Đại học Paris-Saclay, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 17/11/2021.
Đại học Paris-Saclay, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 17/11/2021. AFP - ALAIN JOCARD
Quảng cáo

Một tín hiệu tốt là vị thế một số trường đã được cải thiện đáng kể, chẳng hạn ĐH Paris Sorbonne được nâng 10 hạng. Ấn tượng hơn là Đại học Côte d’Azur tăng 200 bậc. 

Bảng xếp hạng của Đại học Thượng Hải được coi là một bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới, nhưng thiên về đánh giá dựa trên các tiêu chí nghiên cứu khoa học như số giải Nobel và huy chương Fields (toán) của những người từng theo học tại trường, số giải Nobel và huy chương Fields của các nhà nghiên cứu của trường, số bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế Nature và Science, số nhà nghiên cứu được trích dẫn … Bảng xếp hạng Thượng Hải cũng thiên về các ngành khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa, công nghệ thông tin … hơn là các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Cũng như mọi năm, năm nay có 2.500 được đánh giá để chọn ra 1.000 trường tốt nhất.

Để hiểu thêm về thành tích và những hạn chế nên được khắc phục để các trường của Pháp có thể vươn lên những thứ hạng cao hơn nữa trong bảng xếp hạng Đại học danh tiếng thế giới, RFI Việt ngữ ngày 17/08/2023 có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ vật lý, Phó giáo sư Lại Ngọc Điệp, người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy - nghiên cứu và là phụ trách chương trình Master quốc tế Monabiphot của ENS Paris-Saclay, ĐH Paris-Saclay.

RFI : Xin chào PGS.TS. Lại Ngọc Điệp, giảng viên trường ĐH Paris-Saclay của Pháp. Theo thông tin mới đây, ngày 15/08/2023, trường ĐH Paris Saclay được xếp hạng thứ 15 trong bảng xếp hạng đại học Thượng Hải. Anh có thể cho thính giả, độc giả của đài RFI biết thêm thông tin về thành tích này ?

PGS.TS. Lại Ngọc Điệp : Trong bảng xếp hạng Thượng Hải, ĐH Paris-Saclay xếp hạng thứ 15 trên toàn thế giới và số 1 trong số các trường ĐH không nói tiếng Anh. Kết quả tương đối là tốt và cũng đã được dự đoán trước. Có nhiều bảng xếp đại học nhưng bản xếp hạng Thượng Hải rất nổi tiếng và được nhiều người tin tưởng hơn cả. Người ta đánh giá rất cao bảng xếp hạng này và thứ hạng thứ 15 toàn thế giới là một vinh dự cho ĐH Paris-Saclay.

Thực ra ĐH Paris-Saclay mới được xếp hạng cao thế này từ 4 năm trở lại đây. Đứng thứ 15 không phải là quá tốt, không phải là quá tồi, bởi vì ĐH Paris-Saclay đã từng đứng thứ 13 vào năm 2021. Năm đầu tiên, năm 2020 thì đứng thứ 14. Năm 2022 thì thấp hơn một chút, đứng thứ 16 và có thể giải thích bằng nhiều lý do, chẳng hạn như Covid. Năm nay thứ hạng sụt giảm một chút so với năm 2021, nhưng lại tăng so với năm 2022, như vậy nói chung đây cũng là một tín hiệu tương đối tốt. 

RFI : Nhìn rộng ra thành tích của nước Pháp, theo anh đâu là nhưng yếu tố góp phần cải thiện thứ hạng của Pháp ? 

PGS.TS. Lại Ngọc Điệp : Về việc xếp hạng các trường đại học, tại Pháp các nhà nghiên cứu không quan tâm lắm vì nhiều lý do. Nhưng bây giờ, việc hợp tác quốc tế, thu hút sinh viên quốc tế và nhiều lý do khác khiến người ta cũng phải suy nghĩ đến việc nâng thứ hạng lên.

Chính phủ Pháp từ nhiều năm nay, từ thời tổng thống Sarkozy, đã có những chiến lược để nâng thứ hạng của các trường. Một trong các cách đó là thay đổi mô hình đào tạo, bởi vì đào tạo đại học của Pháp có một đặc trưng là các trường rất nhỏ lẻ, không đáp ứng được các tiêu chuẩn xếp hạng. Thế nên chính phủ yêu cầu các trường nhỏ phải liên kết lại với nhau để tạo thành một đại học lớn hơn để thỏa mãn được các tiêu chí của bảng xếp hạng Thượng Hải. Nhờ thế từ 4 năm nay các đại học của Pháp, trong đó có đại học Paris-Saclay đã lọt vào các top, có thể là top 20, top 50 hay top 100. Như vậy là những kết quả gần đây, và nhất là năm nay, có được là từ chính sách của chính phủ thời các tổng thống trước.

RFI :Anh vừa nói là chính sách gộp các nhiều đại học thành một tổ hợp đại học lớn đã có từ thời tổng thống Nicolas Sarkozy (2007-2012). Còn dưới thời tổng thống Macron hiện nay (2 nhiệm kỳ), anh có thấy sự khác biệt gì ? Các tài trợ, hỗ trợ của chính phủ được đẩy mạnh hơn không ?

PGS.TS. Lại Ngọc Điệp : Kết quả ngày hôm nay thì phải nói đến là nhờ công lao của các đời tổng thống trước. Còn đến thời tổng thống Macron hiện nay thì họ tiếp tục phát huy ý tưởng đó, họ sẽ tăng cường hơn và thay đổi cơ chế, chính sách cho phù hợp hơn với các nghiên cứu hiện tại. Chẳng hạn trong lĩnh vực vật lý, thời tổng thống Macron là thời mà hướng nghiên cứu và ứng dụng về lượng tử rất phát triển trên thế giới. Các nước như Trung Quốc hay Mỹ họ đã đi rất xa trong lĩnh vực này rồi vì họ có những đầu tư từ rất sớm và phòng nghiên cứu của họ rất tốt.

Nước Pháp thì không phải quá muộn, bởi vì về lượng tử thì ở Pháp trong năm vừa rồi, đại học Paris Saclay cũng được giải thưởng Nobel. Nước Pháp đã đi tiên phong về nghiên cứu đó nhưng đầu tư trong những năm trước đây có lẽ chưa nhiều. Đến thời Macron thì cũng đã có những chính sách rất khác, bây giờ thì chưa nhìn thấy nhưng trong tương lai sẽ cho phép có những sản phẩm nghiên cứu và ứng dụng liên quan đến lĩnh vực lượng tử.

Chẳng hạn, năm 2021 tổng thống Macron đã khởi động một chương trình nghiên cứu và ứng dụng về công nghệ lượng tử. Chắc mọi người cũng thường nghe nói đến tương lai hay tác dụng của máy tính lượng tử để có thể giải quyết những vấn đề mà những công cụ hiện nay, chẳng hạn máy tính thông thường, không giải quyết được. Thế nên, nước Pháp rất hy vọng là trong tương lai các nghiên cứu có những đột phá nhất định trong lĩnh vực lượng tử, để đi tiên phong trong hướng nghiên cứu này.

Về cách làm của chính phủ Macron hay dưới thời các tổng thống trước thì cũng rất đơn giản. Họ đầu tư một khoản tiền rất lớn để các phòng thí nghiệm có vùng một ý tưởng, cùng một hướng nghiên cứu có thể làm việc với nhau, kết nối lại thành một mạng lưới và dùng khoản tiền tài trợ lên đến hàng tỉ euro để gửi tiết kiệm và lấy lãi tiết kiệm hàng năm có thể lên đến hàng triệu, hàng trăm triệu euro để các nhóm nghiên cứu có thể đề xuất viết các đề tài, đề xuất các ý tưởng và có thể dùng khoản tiền đó để làm kinh phí nghiên cứu. Ý tưởng đó rất là hay. Hy vọng là tương lai hướng nghiên cứu trong lĩnh vực của tôi liên quan đến lượng tử sẽ có những kết quả rất tốt, đúng như kỳ vọng của chính quyền hiện nay.

RFI : Theo anh thì tác động của bảng xếp hạng Thượng Hải ra sao đối với các trường ? Từ vài năm nay, ĐH Paris Saclay có thu hút được thêm nhiều sinh viên nước ngoài, nghiên cứu sinh nước ngoài nhờ kết quả bảng xếp hạng Thượng Hải hay không ? 

PGS.TS. Lại Ngọc Điệp : Theo tôi thì có. Việc các trường ĐH được xếp hạng thứ bậc cao sẽ có tác dụng rất tích cực đối với việc thu hút sinh viên quốc tế và hợp tác quốc tế. Các sinh viên quốc tế hay đặt nặng việc trường đó phải nổi tiếng, phải có thứ hạng. Khi các giảng viên, các nhà nghiên cứu đi ra nước ngoài, như tôi chẳng hạn, thì sinh viên hay hỏi là đến từ trường nào và trường xếp hạng thứ bao nhiêu. Trước đây giảng viên của Pháp rất khó trả lời cho các đối tác quốc tế. Bây giờ thì dễ rồi. Việc đứng vào top 20 thế giới thì lập tức thu hút sinh viên muốn đến học tập.

Theo nhận xét cá nhân của tôi, đặc biệt là trong vai trò là quản lý chương trình master quốc tế, thì tôi thấy là trường đã thu hút được rất nhiều sinh viên quốc tế. Trong thư trao đổi với các thí sinh nước ngoài, tôi thấy người ta luôn luôn nhấn mạnh đến việc ĐH Paris-Saclay lọt vào top 20 thế giới và người ta mong muốn được học tập trong môi trường tốt như thế. Rõ ràng đấy là một hiệu quả rất tích cực.

Ngoài việc thu hút sinh viên đến học tập, việc hợp tác quốc tế cũng quan trọng. Thứ hạng 20 thế giới (ranking) cũng thể hiện là trường đại học đấy, các phòng thí nghiệm, cũng như đào tạo, là rất tốt. Các phòng thí nghiệm quốc tế muốn tìm một đối tác để hợp tác trong một lĩnh vực nào đó, hay viết một đề tài, thì người ta cũng tìm đến các phòng thí nghiệm nổi tiếng thuộc trường đại học có ranking tốt để hợp tác. Vậy thì rõ ràng điều này thu hút các đối tác, từ các sinh viên trẻ tuổi đến các nhà nghiên cứu kỳ cựu trên thế giới.

RFI :Có một số chuyên gia giáo dục nói rằng việc xếp hạng như thế này thì có thể gây bất lợi, thiệt thòi cho các trường ĐH nhỏ. Ngược lại đó cũng có thể là động lực cho các trường nhỏ phải tăng cường hợp tác để có thể vươn lên cao hơn trên bảng xếp hạng. Anh nghĩ sao về điều đó ? 

PGS.TS. Lại Ngọc Điệp : Đúng là nếu quan tâm đến xếp hạng thì chúng ta không thể tách ra khỏi xu hướng gộp các đại học nhỏ thành đại học lớn. Nếu không chịu gộp, muốn làm riêng thì phải rất là giỏi. Nếu không quan tâm đến thứ hạng thì cứ làm như vậy, còn nếu quan tâm đến thứ hạng thì chúng ta phải gộp lại. Theo tiêu chí của bảng xếp hạng Thượng Hải thì đứng một mình và nhỏ lẻ thì các trường không thể lọt vào danh sách tốt được. Đó là chiều chắc chắn.

Mà thực ra thì chính sách của chính phủ từ nhiều năm nay là các trường đại học công lập phải gộp lại với các trường khác để tạo thành những trường đại học lớn. Thế nên các ĐH công lập thì không thể đứng một mình được. Các trường tư thì có thể, nhưng các trường tư thì họ cũng không quan tâm đến xếp hạng.

RFI :Năm nay vị trí của các trường ĐH của Pháp đã được cải thiện khá nhiều trên bảng xếp hạng Thượng Hải. Nhưng Pháp vẫn có khả năng vươn lên cao hơn. Vậy theo anh đâu là những điểm hạn chế của các trường ĐH của Pháp ? Đâu là những điểm Pháp có thể khắc phục để cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng ĐH Thượng Hải ?

PGS.TS. Lại Ngọc Điệp : Theo tôi thì các trường ĐH của Pháp về cơ bản thì chất lượng rất tốt, từ đào tạo đến nghiên cứu. Trước đây, họ không có trong danh sách xếp hạng cao vì họ nhỏ lẻ quá. Bây giờ họ đã giải quyết được vấn đề nhỏ lẻ, đã gộp lại thành những trường ĐH lớn và rõ ràng họ đã nâng được vị thế các trường ĐH lên, đạt ranking rất là cao, chẳng hạn top 20. Trong top 50 cũng có khá nhiều trường của Pháp.

Năm nay có một tín hiệu khá tích cực là có nhiều trường của Pháp lọt vào top 100, top 500, tức là các ĐH vùng của Pháp đã vươn lên, còn những đại học lớn ở Paris chẳng hạn thì thực ra từ mấy năm nay họ đã lọt vào top 50 rồi. ĐH Paris Saclay thì đã lọt top 20 từ 4 năm nay rồi. 

Đúng ra là ranking năm nay không phải là lên cao, thực ra thì có nhiều trường còn thụt lùi. Paris-Saclay thì lên được một bậc so với năm ngoái nhưng lại tụt 2-3 bậc so với cách nay vài năm. Top 20, top 50 đã là tốt rồi, nhưng nếu muốn nâng bậc nữa lên thì có lẽ là phải giải quyết được rất nhiều vấn đề.

Các trường ĐH của Anh, của Mỹ người ta đã có truyền thống từ bao nhiêu năm nay rồi. Tiêu chí của ĐH Thượng Hải thì có nhiều, nhưng một tiêu chí khá quan trọng là phải được nhiều giải Nobel trong các lĩnh vực hay giải FIELD trong lĩnh vực toán. Mà muốn có được giải đó thì phải có truyền thống nghiên cứu từ rất lâu rồi.

Đấy là một ví dụ thôi nhưng mà nâng từ hạng 15 lên hạng 1-2 là bài toán rất là khó, từ quy mô phải lớn, chất lượng phòng nghiên cứu, chất lượng nghiên cứu, chất lượng sinh viên. Mà việc giải quyết bài toán chất lượng thì liên quan đến tiền. Tại sao năm nay là năm đột phá của các trường ĐH Trung Quốc? Rất nhiều trường lọt vào top 500, top 1000, kể cả so với Mỹ. Đó là vì chiến lược của chính phủ Trung Quốc. Họ đầu tư rất nhiều tiền để có kết quả tốt, để viết được bài đăng trên Nature and Science.

Có rất nhiều lý do, nhưng với quan điểm của tôi, một nhà nghiên cứu, và cũng theo như trao đổi giữa các nhà nghiên cứu với nhau thì Pháp hiện nay đang có một nhược điểm là kinh phí cho nghiên cứu rất là hạn chế. Chính phủ đã có những ưu tiên nhất định, những vẫn còn hạn chế so với những nước khác.

RFI Tiếng Việt chân thành cảm ơn PGS.TS. Lại Ngọc Điệp đã tham gia chương trình!

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.