Vào nội dung chính
VIỆT NAM - THAN ĐÁ - ĐẦU TƯ

Việt Nam tăng cường nhập than để sản xuất điện nhằm « giữ chân » các nhà đầu tư

Nhập khẩu than của Việt Nam từ đầu năm đến nay đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Chính phủ Việt Nam muốn trấn an các nhà đầu tư nước ngoài rằng sẽ không còn tình trạng thiếu điện liên tục như năm 2023.

Ảnh minh họa : Cơ sở sản xuất chip điện tử của tập đoàn Mỹ Intel tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 29/10/2010.
Ảnh minh họa : Cơ sở sản xuất chip điện tử của tập đoàn Mỹ Intel tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 29/10/2010. ASSOCIATED PRESS - Le Quang Nhat
Quảng cáo

Theo hãng tin Anh Reuters ngày 26/03/2024, số liệu hải quan Việt Nam gần đây cho thấy, than nhập khẩu, chủ yếu đến từ Úc và Indonesia, đã tăng khoảng 88% tính đến ngày 15/03 so với cùng kỳ năm 2023. Theo các ước tính chính thức, trong 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng than khai thác trong nước cũng tăng 3,3%, đáp ứng được một nửa nhu cầu của Việt Nam. Trong năm 2023, nhập khẩu loại nhiên liệu rẻ tiền này của Việt Nam đã tăng 61% vào lúc các nhà máy nhiệt điện than phải hoạt động hết công suất.

Giải thích về mức nhu cầu tiêu thụ than tăng, Reuters cho biết, hồi mùa hè 2023, nhiều tập đoàn đa quốc gia như Samsung Electronics của Hàn Quốc, Foxconn của Đài Loan hay Canon của Nhật Bản … có nhà xưởng ở Việt Nam, đã buộc phải phải tạm dừng sản xuất do nguồn cung cấp điện không được bảo đảm liên tục trong đợt nắng nóng kéo dài.

Trong cuộc gặp với các nhà đầu tư nước ngoài vào tuần trước, thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết sẽ không còn tình trạng thiếu điện. Một số quan chức nước ngoài tham gia cuộc họp tỏ ra hoài nghi về khả năng thực hiện cam kết mang tính trấn an này.

Theo nhà nghiên cứu Phan Xuân Dũng, thuộc tổ chức nghiên cứu ISEAS, trụ sở ở Singapore, do khả năng sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam là hạn chế, và để bảo đảm cam kết tránh cắt điện, việc nhập khẩu thêm than là « điều bắt buộc ». Một doanh nhân Việt Nam cho biết, nhập khẩu than dự kiến sẽ còn tăng lên trong nửa cuối năm nay.

Trước nhu cầu điện tăng cao và áp lực từ các nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ Việt Nam tìm cách phát triển năng lượng tái tạo và khí đốt, đồng thời nghiên cứu các quy định mới cho phép các nhà máy mua điện trực tiếp từ nhà sản xuất. Phòng Thương Mại Hàn Quốc trong một bài viết đăng tuần trước cho biết các công ty chế tạo bán dẫn đang trì hoãn các quyết định đầu tư vì rủi ro về nguồn điện.

Việt Nam – Hoa Kỳ thảo luận về hợp tác chip bán dẫn

Cũng theo Reuters, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và đồng nhiệm Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã có cuộc thảo luận về việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Cuộc hội đàm diễn ra tại Washington ngày hôm qua 25/03/2024. Đôi bên cũng trao đổi về hợp tác nhân quyền, an ninh, giáo dục và văn hóa, theo như thông báo của bộ Ngoại Giao Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.