Vào nội dung chính

100 năm thành lập cửa hàng thực phẩm cao cấp La Grande Épicerie de Paris

Tọa lạc ở quận 7, La Grande Épicerie de Paris chuyên bán thực phẩm cao cấp là một chi nhánh của cửa hàng lớn Le Bon Marché. Với hơn 30.000 sản phẩm đủ loại, được bày bán trên khoảng 2.900 m2, cửa hàng này kỷ niệm trong tháng 10/2023 đúng 100 năm ngày được thành lập, phản ánh qua kho tài liệu lưu trữ các sản phẩm và xu hướng ẩm thực nổi bật trong vòng một thế kỷ qua.

Ảnh chụp tại La Grande Épicerie de Paris, ngày 07/12/2020.
Ảnh chụp tại La Grande Épicerie de Paris, ngày 07/12/2020. AFP - JEAN-PIERRE MULLER
Quảng cáo

Ban đầu là một quầy bán hàng đơn giản dành cho các loại gia vị và đồ khô, La Grande Épicerie đã phát triển nhanh chóng để rồi với thời gian trở thành một trong những địa điểm nổi tiếng đối với giới ''sành điệu'' ẩm thực ở Paris. Tuy là một chi nhánh của cửa hàng bách hóa Le Bon Marché (hiểu theo nghĩa giá rẻ), nhưng trái với tên gọi, các sản phẩm cao cấp giờ đây chẳng có giá mềm một chút nào. So với các cửa hàng thực phẩm lớn khác như Le Printemps du Goût hay Lafayette Gourmet, La Grande Épicerie de Paris đã nhiều lần được nâng cấp từ khi được mua lại bởi tập đoàn LVMH của nhà tỷ phú Bernard Arnault. 

Từ quầy hàng nhỏ thành chợ thực phẩm khổng lồ

Ngược dòng thời gian, lùi về đầu thế kỷ XX, cửa hàng lớn ''Le Bon Marché'' (ra đời vào năm 1838) từng được văn hào Pháp Émile Zola chọn làm bối cảnh tiểu thuyết ''Au Bonheur des Dames'', đã khánh thành gian hàng đầu tiên tại góc đường Rue du Bac và Rue de Sèvres. Được kiến trúc sư Louis-Hippolyte Boileau xây dựng vào năm 1923 và trang trí theo phong cách Art Déco, cửa hàng này chủ yếu bán đồ gia dụng cần thiết cho bếp núc, nhằm đơn giản hóa công việc của các bà nội trợ. Trong gian hàng này, một ''góc nhỏ'' được dành để bán đồ ăn. Lần đầu tiên trong một cửa hàng bách hóa, có quầy bán thực phẩm một cách thường trực chứ không chờ tới dịp Giáng Sinh hay mùa lễ cuối năm. Lúc đầu, trên các quầy gỗ, chỉ có bán cà phê, trà khô, gia vị, bánh mứt hay sô cô la. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, gian hàng được mở rộng để trưng bày nhiều loại thực phẩm khác.

Kể từ đầu những năm 1930, gian hàng nhỏ đã được khuếch trương thành một ''chợ'' thực phẩm, với nhiều đồ ăn tươi. Có thể xem đây là tiền thân của các loại siêu thị của những thập niên sau này. Phiên chợ được chia thành nhiều khu vực, mỗi gian hàng bày bán một loại thực phẩm : đồ tươi có trái cây, rau quả, thịt cá, bơ trứng … đồ chế biến thì có phô mai, sữa chua, xúc xích, cá muối, thịt nguội. Ngoài các món ăn nấu sẵn (theo kiểu traiteur), còn có các sản phẩm như đồ hộp (đậu Hà Lan, cá thu ngâm rượu trắng, thịt hầm rượu vang), đồ khô thì có mì ống, cà phê hay sô cô la nhập từ châu Phi, trà xanh từ Đông Dương. Ngoài ra, còn có đủ loại bánh trái, mật ong, kẹo mứt và hầu hết là các đặc sản của các vùng miền như Bretagne, Cambrai hay Montélimar …

Thông qua các tài liệu còn được lưu trữ tại Thư viện thành phố Paris, có thể thấy là khá nhiều hiệu sản phẩm đã trở nên nổi tiếng, quen thuộc đến nỗi đi vào tâm thức của công chúng từ lúc nào không hay. Chẳng hạn như các hộp thiếc của loại bánh bích quy LU (Lefèvre-Utile) hay loại bánh quy đến từ Nantes BN (Biscuit Nantais) mà hầu như mọi trẻ em ở Pháp đều từng dùng qua một lần nhân bữa ăn ''lót dạ'' buổi chiều. Hầu hết các hiệu nổi tiếng thời nay như trà Twinings và Lipton, bánh mì sấy khô Heudebert, hoặc các loại đồ hộp Raynal & Roquelaure, kể cả mứt cam ngâm quế, đùi vịt xào nấm, đậu lăng hầm thịt muối đều từng được chào hàng tại cửa hàng La Grande Épicerie.

Xã hội tiêu thụ : Sự trỗi dậy của hàng nhập khẩu

Đà phát triển nhanh chóng của các cửa hàng bách hóa đều bị khựng lại trong giai đoạn Đệ nhị Thế chiến. Thực phẩm khan hiếm trong thời chiến cho ra đời hệ thống tem phiếu, các khẩu phần được cung cấp nhỏ giọt. Ngay cả trong giai đoạn tái thiết hậu chiến, nguồn cung ứng vẫn chưa được dồi dào. Hệ thống tem phiếu chỉ chính thức kết thúc vào tháng 12/1949.

Đầu những năm 1950 đánh dấu ngày lên ngôi của xã hội tiêu thụ, sau nhiều năm đói kém. Thời kỳ sung túc huy hoàng này kéo dài trong gần ba thập niên (Les Trente Glorieuses) với chỉ số tăng trưởng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp. Bức tranh xã hội Pháp được phản ánh qua các quyển catalogue quảng cáo phong phú dồi dào, từ mì ống hiệu Barilla của Ý, phô mai hoặc bia Hà Lan, cho đến bánh mứt Pim's và rượu whisky hiệu Johnnie Walker của Anh. Song song với các biến chuyển xã hội thập niên 1960, nước Pháp còn mở rộng kinh doanh với thế giới. Đây cũng là thời kỳ trỗi dậy của nhiều hàng nhập khẩu, các loại thực phẩm đến từ nước ngoai, kể cả các loại trái cây nhiệt đới như dứa hay xoài. Sản phẩm đến từ Nhật Bản, Brazil hay Hoa Kỳ cũng xuất hiện tại các gian hàng lớn.

Thập niên 1970, đánh dấu thời kỳ cửa hàng thực phẩm La Grande Épicerie càng được khuếch trương, để bắt nhịp các trào lưu xã hội. Thập niên này đánh dấu sự ra đời của các đại siêu thị, bán đủ loại sản phẩm. Cho dù có tân trang diện mạo vào tháng 10/1979 và tự xưng là ''cửa hàng bách hóa lớn nhất Paris'' (với diện tích lên đến 2.900 m2), nhưng La Grande Épicerie vẫn bị cạnh tranh dữ dội. Trong ngành phân phối, các đại siêu thị cũng bán đầy đủ sản phẩm, các cửa hàng tập hợp lại thành một khu trung tâm thương mại khổng lồ, với giá phải chăng hơn. Thời kỳ hoàng kim của các tập đoàn nông thực phẩm (chuyên bán thức ăn sản xuất công nghiệp như các hiệu Elle & Vire, Herta, Buitoni, Oasis, Pampryl, Miko hay Findus) khiến cho vầng hào quang của đa số các cửa hàng lớn đều bị lu mờ, kể cả Le Bon Marché, Galeries Lafayette hay Samaritaine …

Nâng cấp cửa hàng để chuyên bán sản phẩm thượng hạng

Năm 1984 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của cửa hàng thực phẩm La Grande Épicerie de Paris. Cửa hàng này bắt đầu được nâng cấp, sau khi nhà tỷ phú Bernard Arnault mua lại toàn bộ hiệu bách hóa Le Bon Marché. Sau 4 năm trùng tu, cửa hàng thực phẩm thay đổi hẳn diện mạo, với lối thiết kế hiện đại, tân kỳ. Nhưng quan trọng hơn nữa, các quầy hàng chủ yếu bày bán sản phẩm cao cấp hơn : gan ngỗng béo, thịt quay, cá hồi hun khói, trứng cá caviar, dầu ô liu đắt tiền, các loại gia vị hiếm sau này như hạt mắc khén thơm ngát vùng tây bắc, hay hạt tiêu timut dành cho các đầu bếp Michelin … Lần đầu tiên, cửa hàng thực phẩm khai trương một không gian dành riêng cho các loại rượu vang hảo hạng. Ở khu vực tầng hầm, 40 đầu bếp và thợ làm bánh ngọt làm việc trong các xưởng nấu ăn rộng 1.200 m2, để chế biến đủ loại bánh ngọt cũng như món mặn …

Sau rượu vang, La Grande Épicerie tiếp tục khai thác nét đặc thù qua việc khai trương nhiều gian hàng chuyên môn : chẳng hạn như hầm chứa dầu ô liu với hơn 100 kiểu chai đủ loại, kế đến là gian hàng dành riêng cho muối, đặc sản của nhiều vùng miền nước Pháp (Noirmoutier, Île de Ré, Guérande, Camargue). Cuối cùng là không gian dành cho các thành phần chế biến như đường, gạo, mì sợi hay giấm balsamic … Các thực phẩm nhập khẩu như rong biển nori của Nhật Bản, bơ đậu phộng của Mỹ, các loại cà ri Ấn Độ, kim chi Hàn Quốc, các loại tương ớt harissa của Bắc Phi hay tương ớt có hương vị Á Đông nhưng được chế biến một cách thủ công hơn.

Trong tinh thần hạn chế tối thiểu các loại thực phẩm qua nhiều khâu chế biến sẵn, đề cao các nhà sản xuất Pháp và các đặc sản địa phương, La Grande Épicerie đã cho ra mắt thương hiệu riêng của mình vào năm 2016, bao gồm 600 thực phẩm thông dụng như kẹo dẻo (guimauve), bánh nonettes, mứt trái cây, hay các loại snack khoai tây chiên …. Đồng thời, cửa hàng này cũng nắm bắt các trào lưu mới khi giới thiệu các loại bia thủ công, các loại rượu với độ cồn thấp (hoặc thậm chí không cồn) để pha chế các loại cocktail theo xu hướng ''no/low''.

Kể từ ngày 29/09 cho đến cuối tháng 10/2023, La Grande Épicerie tổ chức chương trình sinh hoạt để kỷ niệm sinh nhật 100 tuổi. Nhân dịp này, cửa hàng cao cấp tung ra bộ sưu tập gồm 40 sản phẩm của các thương hiệu từng sát cánh đồng hành với La Grande Épicerie trong suốt một thế kỷ qua, trong đó có công ty bán trà ''Mariages Frères'' (nhà cung cấp trà đầu tiên kể từ năm 1923), hộp tarama tôm hùm của ''Maison Barthouil'', món thịt đông hoặc gan ngỗng béo nấu với sâm banh Castaing …

Kho rượu của cửa hàng bách hóa cũng giới thiệu nhiều loại rượu thượng hạng dành cho giới sưu tầm như Château d'Yquem, champagne Jacquesson, rượu rum Neisson …. Đỉnh điểm của chương trình mừng sinh nhật diễn ra trong tuần này, vào ngày 05/10 với Bữa ăn tối mừng Bách Niên (Dîner des 100 ans) tại nhà hàng La Table nằm ở tầng một. Ngoài ra, còn có buổi chiều hôm 16/11/2023, khi các món ăn buổi tối hòa nhịp với âm thanh dạ hội. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.