Vào nội dung chính
XÃ HỘI - HÀN QUỐC

Hàn Quốc cấp hai loại thị thực mới để kích cầu du lịch

Kể từ đầu năm 2024, chính phủ Hàn Quốc áp dụng hai loại thị thực mới nhằm thúc đẩy ngành du lịch, đồng thời thu hút thêm thành phần du khách có tiền. Hai loại thị thực đặc biệt này là visa làm việc từ xa (workcation) và visa du lịch văn hóa Kpop. 2024 được chọn làm năm phát triển du lịch Hàn Quốc : Seoul đặt mục tiêu tiếp đón khoảng 30 triệu du khách mỗi năm, từ đây cho tới năm 2027.

Fans of K-pop megastars BTS watch a firework display during the "BTS 10th Anniversary FESTA @ Yeouido" in Seoul on June 17, 2023, to mark the 10th anniversary of the group's debut.
Giới trẻ hâm mộ ban nhạc BTS, K-pop Hàn Quốc xem bắn pháo hoa trong lễ kỷ niệm 10 năm thành lập ban nhạc, Seoul, Hàn Quốc, ngày 17/06/2023. AFP - ANTHONY WALLACE
Quảng cáo

Theo trang thông tin Courrier Expat, kể từ đầu tháng Giêng năm 2024, kiều dân ngoại quốc có thể lưu trú tại Hàn Quốc trong vòng hai năm, mà vẫn có thể làm việc cho một công ty có đặt trụ sở ở nước ngoài. Cho tới nay, hầu hết công dân châu Âu đều có thể lưu trú tại Hàn Quốc trong vòng tối đa 90 ngày mà không cần phải xin thị thực. Kể từ bây giờ, kiều dân ngoại quốc sẽ có khả năng ở lại trên lãnh thổ Hàn Quốc trong hai năm vào nhờ loại thị thực mới dành riêng cho những người thuộc diện ''digital nomad'' (du mục công nghệ số), tức là kiều dân nước ngoài sống tại Hàn Quốc nhưng lại làm việc từ xa cho một công ty ở quê nhà, hoặc một doanh nghiệp có cơ sở tại một nước thứ ba. 

Theo Courrier Expat, để cho thật dễ hiểu nhất, một kiều dân mang quốc tịch Pháp vẫn có thể cư trú tại Seoul trong vòng hai năm và làm việc cho một công ty ở quê nhà là Pháp, hay cho một công ty nước ngoài có chi nhánh hoạt động tại Bangkok hoặc Singapore. Thời đại công nghệ số đã cho ra đời một thành phần du khách mới, kết hợp cùng lúc việc làm (work) và du lịch (vacation). Sau hai năm, khách vẫn có thể xin gia hạn thêm thị thực làm việc từ xa ''workcation'' của mình. 

Workcation : Thị thực dành cho khách kết hợp công việc và du lịch 

Thành phần khách ''du mục'' này thường xuyên di chuyển, nay đây mai đó, họ không nhất thiết cần có một văn phòng hay chỗ làm cố định : chỉ cần một máy tính cá nhân, một nơi thông thoáng có kết nối wifi với mạng điện thoại di động là cũng đủ để làm việc theo khung giờ thỏa thuận. Xu hướng này đã cho ra đời những không gian gọi là co-working space, khách sạn hay quán cà phê đều có dành những phòng riêng, rộng rãi yên tĩnh cho thành phần khách du mục công nghệ số. Trong trường hợp kiều dân ngoại quốc này đã có gia đình, thì visa mới vẫn được áp dụng cho vợ/chồng và con cái của họ. Điểm hạn chế đầu tiên là kiều dân nước ngoài không có giấy phép lao động, tức là không thể nộp đơn xin việc làm trên lãnh thổ Hàn Quốc và chỉ có thể làm việc từ xa cho công ty ở nước ngoài. 

Cũng theo Courrier Expat, không phải ai cũng có thể xin thị thực mới này một cách dễ dàng, sau Thái Lan đến phiên Hàn Quốc muốn thu hút thành phần du khách có bằng cấp và mức thu nhập khá cao, làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài với mức lương hậu hĩnh. Thật vậy, chương trình thị thực workcation chủ yếu được áp dụng cho những cá nhân nào có thu nhập mỗi năm trên 58.000 euro (85 triệu won) tương đương với 4.800 euro một tháng, tức cao gần gấp đôi mức lương trung bình ở Hàn Quốc. Để được cấp visa làm việc từ xa (workcation), khách nước ngoài phải có hợp đồng tuyển dụng với một công ty ngoại quốc và từng làm việc trong cùng một ngành ít nhất là một năm. 

Những người muốn xin thị thực workcation phải nộp các giấy tờ cần thiết cho đại sứ quán Hàn Quốc tại nơi họ đang lưu trú : chứng minh thu nhập, hợp đồng làm việc, chi tiết lý lịch tư pháp. Ngoài ra, họ phải đóng bảo hiểm, với mức bảo hiểm tối thiểu là khoảng 70.000 euro (100 triệu won), để có thể chi trả các chi phí y tế hoặc đảm bảo khả năng hồi hương trong trường hợp khẩn cấp. 

Ngoài thị thực workcation dành cho những ai làm việc từ xa nhưng muốn chọn Hàn Quốc làm nơi lưu trú, Seoul còn triển khai một loại thị thực khác gọi là ''visa văn hóa xứ Hàn'' nhằm thu hút giới trẻ trên tthế giới quan tâm đến văn hóa Hàn Quốc và ngành giải trí K-pop. 

Nâng mức 17 triệu khách lên thành 30 triệu mỗi năm 

Trong hai thập niên qua, làn sóng văn hóa Hàn Quốc thông qua điện ảnh, ca nhạc, ẩm thực đang trở nên phổ biến trên toàn cầu. Hàn Quốc có nhiều tác phẩm điện ảnh ăn khách, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế kể cả Oscar của Mỹ. Các ban nhạc Hàn Quốc như Blackpink, BTS và gần đây hơn nữa là NewJeans… đều có một lượng fan hâm mộ cực kỳ đông đảo. Nhằm tận dụng lợi thế này, chính phủ Hàn Quốc giới thiệu loại visa du lịch kết hợp với văn hóa Kpop. Cụ thể, chính phủ Hàn Quốc sẽ cấp visa cho những người nộp đơn tham gia một chương trình giáo dục hoặc một lớp đào tạo về văn hóa Kpop, trong đó có cả khóa thực tập tại một công ty chuyên ngành giải trí ở Hàn Quốc. 

Loại visa đào tạo này chủ yếu nhắm đến những công dân nước ngoài trẻ tuổi, quan tâm đến các lĩnh vực giải trí của Hàn Quốc, hoặc là khách hâm mộ Kpop vô điều kiện, cho nên luôn khao khát đến thăm xứ sở các thần tượng của họ. Thông qua các chương trình này, các trường dạy múa hay lớp dạy thanh nhạc muốn thu hút thêm lượng fan quốc tế sẵn sàng nộp học phí để có thể theo dõi một quy trình đào tạo từ ba tháng đến sáu tháng, bất kể sau đó họ có trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp trên sân khấu hay chăng. 

Cũng như vài thập niên trước, chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều, tạo điều kiện cho phong trào Hàn Lưu (điện ảnh, ẩm thực) chinh phục thế giới để rồi đem lại nhiều thành quả, giờ đây Hàn Quốc nuôi nhiều tham vọng lớn cho ngành du lịch. Ngoài việc đơn giản hóa tối đa các thủ tục xin visa, cũng như cấp thêm thị thực điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Hàn Quốc, Seoul còn muốn nhắm tới thành phần du khách lưu trú dài hạn, chẳng những có sức mua sắm cao mà còn sẵn sàng chi tiền.Theo dự kiến, từ nay cho đến năm 2027, Hàn Quốc muốn nâng số du khách nước ngoài từ 17 triệu (mức kỷ lục vào năm 2019) lên thành 30 triệu khách du lịch quốc tế ghé thăm xứ bình mình yên tĩnh, đồng thời nhân gấp đôi doanh thu, từ một tỷ rưỡi lên tới mức 3 tỷ đô la hàng năm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.