Vào nội dung chính
XÃ HỘI

''Damp January'' : Giảm bớt lượng cồn thay vì ngưng hẳn uống rượu

Trong chuyện ăn uống, chế độ kiêng cữ càng khắt khe, người kiêng ăn càng khó thể nào tuân thủ được toàn bộ các quy định. Trong trường hợp này, các chuyên gia y tế cho rằng nên nới lỏng các biện pháp ràng buộc, hầu giúp cho những người nào có nhu cầu, tiếp tục ăn kiêng thay vì nản chí bỏ cuộc. Về điểm này, ''Damp January'' có thể được xem là một hình thức giảm nhẹ của chương trình ''Dry January'' (Tháng Giêng không cồn), phổ biến tại các nước Âu Mỹ.

Ảnh minh họa : Khoang bầy bán rượu tại một siêu thị ở Matxcơva, Nga, ngày 24/04/2020.
Ảnh minh họa : Khoang bầy bán rượu tại một siêu thị ở Matxcơva, Nga, ngày 24/04/2020. AFP
Quảng cáo

Ra đời vào năm 2013 tại Vương quốc Anh rồi sau đó được triển khai sang nhiều quốc gia châu Âu, chương trình Dry January (Tháng Giêng không cồn) nhằm mục đích khuyến khích người tiêu dùng kiêng rượu trong vòng một tháng, sau các bữa liên hoan, tiệc tùng nhân mùa lễ cuối năm. Sau hơn một thập niên hoạt động, chương trình Dry January từ 4.000 người tham gia ban đầu tại Vương quốc Anh vào năm 2013 nay đã đạt tới ngưỡng 175.000 người vào năm 2023.

Còn tại Hoa Kỳ, theo báo The Washington Post, ngoài Dry January còn có chương trình khuyến khích người tiêu dùng kiêng rượu mang tên Sober October (Tháng Mười không rượu). Theo số liệu của Hiệp hội Mỹ về nghiên cứu ung thư (American Association for Cancer Research / AACR), có từ 2,7 đến 3,5 triệu người Mỹ trên 21 tuổi thường xuyên đăng ký tham gia các chương trình kiêng rượu trong vòng một tháng. Nếu thành công, người kiêng rượu cũng có thể từ bỏ luôn thói quen dùng các thức uống có cồn.

Giảm nhẹ tính ràng buộc của chương trình Tháng Giêng không cồn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực ấy, cũng có một số điểm bất cập, hạn chế. Số người đăng ký tham gia chương trình Dry January (Tháng Giêng không cồn) như thể đã đạt tới ngưỡng bão hòa, không còn tăng mạnh và đều đặn như trong những năm đầu phát động chiến dịch. Theo thời gian, số người bỏ cuộc cũng có chiều hướng tăng lên, theo ước tính tỷ lệ này là khoảng từ 17% đến 25%.

Có lẽ cũng vì thế theo báo The Washington Post, nếu chương trình ''Dry January'' (Tháng giêng không cồn) có vẻ quá khó đối với bạn, thì bạn nên thử chương trình ''Damp January'' với những quy định nhẹ nhàng, bớt khắt khe hơn. Tính linh hoạt ấy giúp cho đối tượng thích ứng dễ dàng với chương trình kiêng cữ, và như vậy có thể xem đây là một giải pháp thay thế tạo thêm sức hấp dẫn của ''Tháng Giêng không cồn'' (Dry January) sau hơn 10 năm tồn tại.

Khái niệm ''Damp January'' dùng hình tượng của ''độ ẩm'' (tức là vẫn có một chút rượu) thay vì hoàn toàn khô ráo (không một giọt rượu) nhằm khuyến khích người tiêu dùng giảm càng nhiều càng tốt lượng tiêu thụ rượu của mình trong vòng một tháng. Thà uống ít lại còn hơn là tham gia chương trình, rồi bỏ cuộc nửa chừng. Giải pháp thay thế này, theo tờ báo, vẫn có lợi cho sức khỏe còn hơn là không có giải pháp nào cả.

Một trong những điểm khó khăn đối với những người tham gia chương trình Dry January là sự hiện diện của các loại thức uống có cồn ở khắp mọi nơi, và từ lâu đã trở thành một nếp sống trong sinh hoạt thường ngày. Một cốc bia sau giờ tan sở (after work), hay một ly rượu vang nhâm nhi tại các hàng quán vào giờ dùng thức khai vị trước bữa ăn tối (happy hour) …. Theo The Washington Post, điều đó có thể giải thích vì sao mặc dù có quyết tâm và thiện chí, nhưng rốt cuộc một số người tham gia chương trình vẫn thất bại, chủ yếu cũng vì điều mà tờ báo gọi là sự ''cám dỗ'' xuất hiện ở mọi nơi. Đi đâu, người tiêu dùng cũng nghe tiếng gọi mời của bia rượu, việc cụng ly không chỉ là để ăn mừng, mà còn là một hình thức xã giao thường tình, bạn bè khi gặp mặt luôn mời nhau uống một ly.

Theo nhà tâm lý học Richard de Visser, tác giả công trình nghiên cứu về những lợi ích của Dry Januaray, do Đại học Sussex ở Vương quốc Anh công bố hồi tháng Giêng năm 2019, đối với những người uống rượu thường xuyên, ''Damp January'' có vẻ thích hợp hơn, do mục tiêu của chương trình này là giúp cho người tham gia ý thức thêm về sự chừng mực, hơn là hoàn toàn cấm họ uống rượu. Nhờ sự hiểu biết ấy, người tham gia chương trình chủ động tự kiểm soát mức tiêu thụ của mình.

Tác động tích cực về mặt sức khỏe dù chỉ tạm thời kiêng rượu

Tính điều độ trong thói quen dùng rượu có lẽ là chìa khóa dẫn đến thành công. Thay vì áp đặt một chương trình mang tính ràng buộc, Damp January lại khuyến khích người tham gia vào chương trình như một trò chơi với một số nguyên tắc đơn giản. Chỉ nên uống rượu vào những dịp lễ lạc đặc biệt chẳng hạn như đám cưới, sinh nhật, tân gia hay tiệc về hưu, thay vì vào những lúc xã giao bình thường. Ngoài ra, còn có việc giảm khối lượng cũng như số ly mà bạn thường uống. Chẳng hạn như khi đi ăn nhà hàng, chỉ uống một ly thay vì hai, hai ly thay vì bốn. Bạn cũng có thể tự tạo ra luật chơi khi ấn định trước trên lịch những ngày kiêng rượu, không uống vào ngày chẳn hoặc ngày lẻ, ba ngày mới uống một lần hoặc chỉ uống vào những dịp cuối tuần.

Còn theo báo Le Figaro, dĩ nhiên điều tốt nhất cho sức khỏe vẫn là đừng nên uống cồn (cũng như đừng nên bắt đầu hút thuốc lá) nhưng đối với những người đã có thói quen rồi, thì thực tế cho thấy là việc kiêng rượu dù ''tạm thời'' hay ngắn hạn vẫn có một số tác động tích cực có thể nhận thấy chỉ sau vài ngày kiêng cữ.

Tờ báo trích dẫn ông Mickael Naassila, chủ tịch Hiệp hội SFA của Pháp chuyên nghiên cứu về tác động của rượu, cho biết việc kiêng cữ hoặc giảm dần lượng tiêu thụ cồn sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống. Việc ngưng dùng rượu, dù chỉ sau vài ngày vẫn có lợi cho huyết áp, các chức năng tim mạch cũng như sinh lý. Chỉ sau vài tuần, người kiêng rượu cũng hay giảm cân vì các đồ uống có cồn thường hàm chứa rất nhiều calorie.

Theo Cơ quan Y tế Công cộng (SFP) và Viện Quốc gia chống Ung thư (INC), không nên uống quá hai ly rượu mỗi ngày và mỗi tuần nên uống tối đa mười ly rượu. Các cuộc khảo sát gần đây nhất cho thấy, mức tiêu thụ rượu của người dân Pháp vẫn ở một mức khá cao, cho dù đã có giảm đôi chút trong một thập niên qua. Pháp là một trong những quốc gia tiêu thụ rượu bia nhiều nhất thế giới, đứng hàng thứ 6 trong số 34 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển OCDE. Theo tổ chức này, hàng năm có khoảng 41.000 ca tử vong do rượu gây ra, khoảng 30.000 nơi đàn ông và hơn 10.000 nơi phụ nữ. Rượu cũng là yếu tố thứ nhì sau thuốc lá có liên quan đến các ca nhiễm bệnh ung thư tại Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.