Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Tập đoàn Universal rút hết các bản nhạc khỏi mạng TikTok

Giới trẻ quen dùng TikTok hẳn chắc sẽ rất thất vọng. Theo tuần báo L'Express, kể từ đầu tháng 02/2024, gần 2 tỷ người sử dụng TikTok trên thế giới không còn có thể nghe hoặc cài vào video của họ những bài hát của Taylor Swift, BTS, The Weeknd, The Beatles cũng như của nhiều ca sĩ khác. Tập đoàn lớn nhất ngành ghi âm đã thông báo hôm 01/02 rằng họ sẽ rút toàn bộ các bài hát của mình sau khi đàm phán với TikTok gặp thất bại.

Logo của mạng xã hội TikTok.
Logo của mạng xã hội TikTok. Photothek via Getty Images - Thomas Trutschel
Quảng cáo

Trên thực tế, tất cả các bản nhạc do tập đoàn Universal Music Group (UMG) khai thác đều bị xóa bỏ trong thư viện âm nhạc của mạng TikTok, còn tất cả các đoạn video cò cài nhạc do Universal nắm giữ hợp đồng phân phối, cũng đồng loạt bị ''tắt tiếng''. Thỏa thuận giữa Univerral và TikTok có hiệu lực từ năm 2021 cho phép TikTok sử dụng các bản ghi âm của giới nghệ sĩ có hợp đồng với Universal Music Group. Tuy nhiên, mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh khi mạng TikTok bắt đầu vận dụng trí tuệ nhân tạo trong cách sáng chế âm nhạc. 

Thỏa thuận giữa Universal và TikTok vừa hết hạn vào hôm 31/01/2024. Trong thông cáo chính thức, Universal đã đưa ra ba lý do khiến tập đoàn này ngưng cho TikTok quyền sử dụng kho nhạc của mình. Universal từng yêu cầu nền tảng TikTok trả phí thỏa đáng hơn cho giới nghệ sĩ, bảo vệ bản quyền của giới nhạc sĩ trước sự lạm dụng của phong trào sáng tác nhạc bằng AI (trí tuệ nhân tạo) cũng như đảm bảo an toàn trực tuyến cho người dùng TikTok.

Luyện cho trí tuệ nhân tạo học cách ''chế biến'' âm nhạc

Theo tập đoàn Universal, mạng TikTok chẳng những thờ ơ mà còn khuyến khích cho việc thử nghiệm ''chế biến'' âm nhạc bằng trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, đầu năm nay mạng TikTok đã cho ra mắt công cụ ''AI Song'', qua đó người dùng có thể tạo các đoạn nhạc gốc, để minh họa cho video clip của họ. Ngoài ra, mạng TikTok còn đem phổ biến hệ thống ''StreamVoice'', người dùng công cụ này có thể sao chép hầu như giọng nói của bất kỳ ai. Chính sự quảng bá này đã tạo ra phong trào lạm dụng nhạc AI, làm giảm đáng kể doanh thu bản quyền của giới nghệ sĩ thực thụ.

Cũng theo quan điểm của Universal, khoản tiền mà TikTok chi trả cho giới nghệ sĩ để khai thác nhạc của họ vẫn còn quá thấp, chỉ bằng một phần nhỏ so với các nền tảng xã hội nổi tiếng khác. Bằng chứng rõ ràng nhất, mạng TikTok hiện có từ 1,7 cho đến 2 tỷ người trên thế giới sử dụng thường xuyên, nhưng khoản tiền do TikTok chi trả cho giới nghệ sĩ chỉ bằng 1% doanh thu của tập đoàn Universal. Theo tuần báo L'Express, dường như trong mắt của ban điều hành Universal, việc hợp tác với TikTok cũng chẳng có lợi gì nhiều, cho nên Universal đã không ngần ngại rút bỏ toàn bộ các bản nhạc do họ phân phối, ra khỏi nền tảng này.

Phía TikTok ngay lập tức đã có phản ứng, đưa ra một tuyên bố ngắn gọn nhưng mạnh mẽ, khi cho rằng quyết định của Universal phản ánh lòng tham lam và tính vụ lợi của tập đoàn này, đặt lợi ích của mình lên trên giới nghệ sĩ từng ký hợp đồng với họ. Chuyện cắt đứt quan hệ hợp tác không những gây thiệt hại cho hai bên, mà còn tác động đến giới nghệ sĩ quốc tế. Tuy tình trạng hiện giờ chưa xấu tới nỗi mất cả chì lẫn chài, nhưng giới nghệ sĩ bị thiệt hại về mặt doanh thu bản quyền, đồng thời họ mất một kênh phổ biến khá hiệu quả các bản nhạc của họ, do nền tảng TikTok có tới gần 2 tỷ người dùng trên toàn cầu.

Tập đoàn Universal đưa ra thông báo chính thức chỉ vài hôm trước buổi lễ trao giải Grammy 2024, một sự kiện có nhiều ý nghĩa : đoạn tuyệt quan hệ hợp tác với TikTok, vào lúc làng nhạc chuyên nghiệp quốc tế chuẩn bị trao giải thưởng quan trọng nhất trong năm. Người quen dùng TikTok cũng không thể nghe hay sử dụng các bài hát của các nghệ sĩ mà họ yêu thích, điển hình nhất là Taylor Swift và Billie Eilish đều đã thắng đậm nhân mùa trao giải vừa qua.

Tranh chấp quyền lợi, đường ai nấy đi

Vụ tranh chấp giữa Universal và TikTok không chỉ tác động đến giới nghệ sĩ Âu Mỹ như Ariana Grande, Justin Bieber, Rihanna, Madonna, Miley Cyrus, Elton John ….. mà còn ảnh hưởng mạnh đến nhiều nghệ sĩ tại các quốc gia khác đều có kỳ hợp đồng với tập đoàn Universal. Đó là trường hợp của các ban nhạc Hàn Quốc như BTS, BlackPink, Sunmi, Seventeen. Còn tại Pháp, các bản nhạc ăn khách của Johnny Hallyday, Stromae, Vitaa, Louane, Dadju, Mylène Farmer, Vanessa Paradis hay M.Pokora đều bị ''xóa sổ'' trên mạng TikTok.

Đây không phải là lần đầu tiên ngành công nghiệp ghi âm gặp khó khăn với TikTok. Vào năm 2019, Hiệp hội các nhà xuất bản âm nhạc Hoa Kỳ (NMPA) từng cáo buộc TikTok có hành vi ''đạo nhạc'' và không tôn rọng bản quyền. Hai hãng đĩa Warner và Sony Music cũng từng có tranh chấp với TikTok về vấn đề quyền sử dụng nhạc trong video trên mạng. Mãi đến cuối năm 2021, TikTok mới đạt được thỏa thuận bằng cách trả một khoản phí cố định cho hai hãng đĩa này để không bị hạn chế trong việc dùng nhạc minh họa.

Khi mạng TikTok bắt đầu thử nghiệm các công cụ chế tạo âm nhạc bằng AI và khuyến khích người dùng tự làm nhạc để cài vào trong các video của mình. Nói như vậy có nghĩa là trong tương lai, mạng TikTok muốn có một ''tủ nhạc'' riêng chứ không cần phải trả phí để dùng nhạc của đối tác như Universal, Sony hay Warner như trước. Nhưng để thực hiện được điều này, TikTok vẫn cần các bản nhạc có thật, do các nghệ sĩ thực thụ sáng tác, để huấn luyện ''đào tạo'' cho trí tuệ nhân tạo, bởi vì AI không thể tự ''ngẫu hứng'' sáng tác mà phải học hỏi từ một kho dữ liệu sẵn có. Chỉ riêng về điểm này, tập đoàn Universal  dĩ nhiên không muốn người khác giành lấy cái quyền khai thác ''mỏ vàng'' âm nhạc, được xem như là một kho báu do hàng năm đem lại hàng chục tỷ đô la doanh thu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.